Công ty Cổ phần X-Media kí kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Giáo dục
Ngày 10/5/2023, Công ty Cổ phần X-Media và Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã cùng nhau kí kết biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai đơn vị.
Lễ kí kết diễn ra tại văn phòng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của Phó Hiệu trưởng nhà trường - TS. Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần X-Media – Ông Phạm Tuấn Anh.
Tham dự buổi lễ, về phía nhà trường có: Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học & Hợp tác phát triển - TS. Đoàn Nguyệt Linh, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - PGS. TS Phạm Kim Chung, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm - PGS. TS Nguyễn Chí Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo & Bồi dưỡng - Ths. Nguyễn Thị Diễn. Về phía Công ty Cổ phần X-Media có: Giám đốc Công nghệ - Ông Lê Đỗ Thuận, Phó Giám đốc Kinh doanh – Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng bộ phận Phát triển học liệu Tú Tài – Bà Hoàng Thị Hải Yến, Quản lí Truyền thông – Bà Ngô Thị Hải Yến.
Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên đào tạo giáo viên các khối cấp, nghiên cứu học thuật chuyên sâu về giáo dục, khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lí và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục. Với mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu nằm trong top đầu của Việt Nam về khoa học và công nghệ giáo dục, trường đã triển khai nhiều hoạt động, hợp tác, nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập. Nhận thấy những điểm tương đồng về sứ mệnh, mục tiêu, Công ty Cổ phần X-Media quyết định kí kết hợp tác chiến lược với nhà trường.
Phát biểu tại Lễ kí kết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục TS. Nguyễn Đức Huy cho biết Nhà trường rất vui mừng được đón tiếp và làm việc cùng X-Media về các dự án công nghệ giáo dục trong tương lai. TS. Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy nhiều điểm tương đồng trong mục tiêu, thế mạnh và cơ hội hợp tác giữa Trường Đại học Giáo dục với Công ty Cổ phần X-Media; đặc biệt là các dự án liên quan đến dạy học thích ứng, nghiên cứu và triển khai các nền tảng dạy và học, hỗ trợ công tác đào tạo cử nhân Công nghệ Giáo dục”.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần X-Media nhận định: Thị trường công nghệ giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều sản phẩm công nghệ vận dụng trí tuệ nhân tạo hữu ích cho giáo viên và phụ huynh. Với mục tiêu phát triển nền tảng công nghệ giáo dục phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học, X-Media tích cực kết nối với các đơn vị, cơ sở giáo dục có cùng tầm nhìn chiến lược, trong đó có Trường Đại học Giáo dục - đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ giáo dục.
Trao đổi về Nền tảng công nghệ giáo dục Tú Tài do X-Media xây dựng, phát triển, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - PGS. TS Phạm Kim Chung đánh giá đây là nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ mới, hữu ích cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phương pháp học tập thích ứng (Adaptive Learning), Tú Tài hứa hẹn sẽ giúp giáo viên cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy, theo sát tiến trình học tập của mỗi học sinh, từ đó giúp học sinh cải thiện, nâng cao năng lực nhanh chóng và hiệu quả.
Kết thúc buổi trao đổi, Ông Phạm Tuấn Anh và TS. Nguyễn Đức Huy đã kí kết văn bản hợp tác trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các phòng, khoa, và quản lí các cấp của X-Media. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu ứng dụng các công nghệ giáo dục, chuyển giao/tiếp nhận các công nghệ về giáo dục; Phối hợp xây dựng kho học liệu chất lượng cho dự án công nghệ giáo dục Tú Tài; Hợp tác sâu trong dự án Tú Tài. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần X-Media sẽ hỗ trợ việc làm thực tập cho sinh viên nhà trường; Cung cấp dữ liệu hỗ trợ nhà trường nghiên cứu về hành vi người học, giáo viên, thị trường giáo dục.
Hợp tác giữa Công ty Cổ phần X-Media – đơn vị với thế mạnh về công nghệ và Trường Đại học Giáo dục – đơn vị hàng đầu trong đào tạo giáo dục chắc chắn sẽ đem đến những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ trong dạy - học, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục